Nhà sư, học giả Phật giáo đến từ Ấn Độ - Tenzin Priyadarshi Rinpoche vừa có buổi triển lãm ảnh "Solivagant - Độc hành" và giới thiệu cuốn sách cùng tên tại Press Club, 59A Lý Thái Tổ, Hà Nội. Sự kiện kéo dài đến hết ngày 24/11.
Đại diện đơn vị tổ chức triển lãm cho biết muốn thông qua triển lãm, truyền tải thông điệp tích cực cho mỗi người về việc trân trọng những khoảnh khắc hiện tại, biết hài lòng với những gì đang có.
"Solivagant" không đơn thuần là một bộ sưu tập ảnh, mà còn là sự phản chiếu hành trình giác ngộ của tác giả với những chủ đề về sự độc hành, tâm linh và vẻ đẹp của thế giới tự nhiên. Tenzin Priyadarshi cho biết, những tác phẩm nhiếp ảnh được ghi lại khi ông một mình lang thang vô định trong nhiều năm. Khi chụp những tấm hình này, ông không có ý định trưng bày hay triển lãm mà đơn thuần là ghi lại những khoảnh khắc bản thân nhìn thấy. Đó cũng là lúc ông cảm nhận được sự kết nối với thế giới xung quanh.
Nhà sư, học giả Phật giáo Tenzin Priyadarshi Rinpoche (ngồi giữa). Ảnh: Tam Sơn
Tại triển lãm, nhà tu hành chia sẻ nhiều câu chuyện đằng sau những bức ảnh cũng như chiêm nghiệm của bản thân về cuộc đời. Với ông, mỗi bức ảnh như một tấm gương, ở đó, người xem tìm thấy trạng thái tĩnh lặng, yên bình của bản thân để kết nối với chính mình.
"Mỗi tấm hình đều có câu chuyện và hành trình sau đó. Thông thường, chúng ta chỉ bị hấp dẫn bởi một bông hoa tươi đẹp đang nở. Nhưng bông sen này đã qua thời kỳ đó, đang vào giai đoạn suy tàn. Nhìn thấy hiện tượng này, ta thấy sự tĩnh lặng, trân trọng và chấp nhận quy luật vô thường rằng vạn vật đều có thời khắc thăng trầm. Đây là một cái khoảnh khắc cho ta cảm nhận điều đó", ông chia sẻ về bức ảnh hoa sen tại khoảnh khắc giao lưu với khách mời.
Bức ảnh hoa sen trong BST ảnh Độc hành. Ảnh: Tam Sơn
Bên cạnh đó, khi cảm nhận được khoảnh khắc của vô thường, con người sẽ trân trọng những giây phút thay đổi trong cuộc sống. Ông lý giải, vô thường là luôn thay đổi, vô thường luôn hiện hữu xung quanh nhưng không phải lúc nào con người cũng ưa thích sự thay đổi xảy đến với mình, điều này tùy thuộc vào trạng thái tâm.
"Tất cả thứ xung quanh như tiền bạc, danh vọng, các mối quan hệ có thể đến rồi đi nhưng khoảnh khắc xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào khi đã qua rồi sẽ không bao giờ trở lại. Bởi vậy hãy chú ý đến thời gian", ông nói.
Tác giả cũng cho rằng, con người khi chiêm ngưỡng được sự mộc mạc, giản dị trong đời sống xung quanh sẽ biết trân trọng tất cả những gì cuộc sống trao tặng. Cuộc sống là một hành trình mà sự tò mò chính là điểm khởi đầu của hành trình đó.
Không gian triển lãm tại Press Club, Hà Nội. Sự kiện kéo dài đến hết ngày 24/11. Ảnh: Tam Sơn
Đối với vấn đề áp dụng triết lý Phật pháp trong đời sống và công việc hàng ngày, Tenzin Priyadarshi khuyên mỗi người tìm cách cân bằng nhu cầu công việc và cuộc sống. Ông dẫn lời khuyên từ các bậc hiền triết rằng hãy thực hành tùy hỉ, luôn trân trọng và hoan hỉ với thành quả của bản thân cũng như người khác để tránh việc tự phán xét và kéo bản thân vào sự mệt mỏi.
"Khi bạn bước vào cuộc hành hương qua hình ảnh này, tôi mong bạn tìm thấy niềm an ủi trong không gian tĩnh tại của từng khung hình và khám phá ra chân lý ẩn sâu trong Độc hành - rằng trong sự tĩnh lặng của cô đơn, chúng ta cảm nhận được sự bao la vô biên của vũ trụ và trong những bước lang thang của tâm hồn, chúng ta tìm thấy ngôi nhà thực sự của mình", Tenzin Priyadarshi Rinpoche chia sẻ thêm.
Cuốn sách "Độc hành" và "Running toward mystery" được giới thiệu tại sự kiện triển lãm. Ảnh: Tuệ Minh
Tại sự kiện, Venerable Tenzin Priyadarshi Rinpoche chia sẻ thêm về tựa của cuốn sách "Running toward mystery" (tạm dịch: Chạy về nơi bí ẩn) bằng tiếng Anh được trưng bày ở triển lãm. Theo ông, trong cuộc sống, con người có cảm giác sợ điều mình không biết, chưa biết nhưng thực ra đó là sợ phải chia lìa những gì mình đã biết, đã quen thuộc, nơi mình thấy thoải mái nhất... Ông cho rằng, mọi khoảnh khắc trôi qua là hiện hữu và điều mình chưa biết không có gì đáng sợ. Thay vào đó hãy có thái độ trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống này.
Venerable Tenzin Priyadarshi Rinpoche sinh ra trong một gia đình Hindu ở Vaishali, Ấn Độ. 10 tuổi, theo ý nguyện của mình, ông bước chân vào một tu viện Phật giáo ở Rajgir, gần Đại học cổ đại Nalanda. Đam mê nhiếp ảnh bắt đầu nhen nhóm từ khi ông nhận được chiếc máy ảnh đầu tiên vào năm 11 tuổi. Ông coi tác phẩm của mình là sự phản chiếu trí tưởng tượng của bản thân cũng như sự phản ánh về thế giới mà ông trải nghiệm trong những chuyến đi khắp thế giới.
Tuệ Minh