'Thỏa thuận ngầm' giữa hai lãnh đạo Bắc Ninh và nhà thầu 6 bệnh viện

16/12/2024
|
0 lượt xem
Pháp Luật
'Thỏa thuận ngầm' giữa hai lãnh đạo Bắc Ninh và nhà thầu 6 bệnh viện

Ngày 29/10, 7 người là cựu bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh, cán bộ sở Y tế tại Bắc Ninh cùng 6 đồng phạm thuộc các doanh nghiệp đấu thầu liên quan bị TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử về 4 tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Dù tòa triệu tập, nhiều cá nhân, đơn vị đã vắng mặt trong sáng nay như đại diện bị hại (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bắc Ninh), đại diện Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư.

24/25 nhân chứng và đại diện của 4 trong số 6 bệnh viện đa khoa các huyện liên quan cũng vắng mặt.

Cựu Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến tại tòa. Ảnh: Xuân Hoa

Trong phần xét hỏi sáng nay, bối cảnh bị cáo Nguyễn Nhân Chiến, 64 tuổi (chủ tịch tỉnh 2011-2015, Bí thư Tỉnh ủy 2015-2020) nhận "quà" của hai doanh nghiệp "sau khi giúp đỡ, tạo điều kiện" trúng 6 gói thầu được HĐXX làm rõ qua lời khai của hai đầu mối - bị cáo Trần Văn Tuynh, cựu giám đốc Ban quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh Bắc Ninh (thuộc Sở Y tế) và Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Sông Hồng.

Cơ quan công tố xác định, năm 2006-2008, Bắc Ninh phê duyệt dự án xây dựng, cải tạo 6 bệnh viện đa khoa tại các huyện với tổng vốn đầu tư 497 tỷ đồng, phần lớn là Ngân sách nhà nước.

Theo lời khai của ông Hưng và Tuynh, Công ty Sông Hồng "quen biết trước" với Ban quản lý dự án do từng thi công gói thầu cung cấp thiết bị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh vào năm 2012. Năm 2014, ông Đặng Tiên Phong, Chủ tịch Sông Hồng (chết năm 2021) biết về dự án 6 bệnh viện huyện của Bắc Ninh nên giao nhiệm vụ cho Hưng sang "đặt vấn đề".

Nhưng theo cáo trạng và chính lời khai của ông Tuynh tại tòa, từ năm 2013, các bệnh viện đã xây xong nhưng phần lớn vốn đã chi hết vào xây dựng. Tiền mua sắm, lắp đặt thiết bị y tế hầu như không còn.

Được ông Tuynh cho biết "dự án thì có song vốn thì không", ông Hưng về báo cáo cấp trên. Một thời gian sau, bị cáo Hưng đã được lệnh quay lại bàn tiếp với Ban quản lý dự án vì "lãnh đạo hai bên, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước đã bàn bạc và đi đến thống nhất".

"Thống nhất" này, theo cơ quan công tố, xuất phát từ cuộc "mặc cả" giữa ông Phong và lãnh đạo tỉnh. Ông Phong biết tỉnh thiếu tiền mua thiết bị nên chủ động đến gặp Tuynh, nói "có nhiều mối quan hệ" sẽ tác động "bộ, ngành trung ương" xin vốn bổ sung cho Bắc Ninh.

Song ông Phong đặt điều kiện: Sau khi được duyệt bổ sung vốn, "lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Ban quản lý dự án" phải cho công ty của ông tham gia đấu thầu, trúng thầu và thực hiện các gói thầu thiết bị y tế tại 6 bệnh viện này, cáo trạng nêu.

"Những ai đồng ý chuyện đó?", chủ tọa hỏi. Ông Tuynh cho hay đi cùng Hưng và "sếp" Nguyễn Hạnh Chung (khi đó là Giám đốc Sở Y tế) gặp ông Nguyễn Nhân Chiến (khi đó là Chủ tịch tỉnh).

"Anh Chiến đồng ý chủ trương và bảo sang gặp anh Nguyễn Tử Quỳnh, Phó chủ tịch. Anh Quỳnh cũng đồng ý", bị cáo Tuynh khai và cho hay lãnh đạo tỉnh đồng ý vì khi đó Bắc Ninh đang rất khó khăn về vốn, "mục tiêu chỉ là xin vốn về cho địa phương".

"Thế có biết việc xin vốn cho Bắc Ninh của Phong diễn ra thế nào không?", chủ tọa hỏi. Bị cáo Hưng đáp chuyện xin vốn do Chủ tịch Phong lo. Bị cáo là cấp phó nên được chỉ đạo "sang tỉnh gặp người này người kia để triển khai các gói thầu".

"Bị cáo không biết gì về việc xin vốn và quá trình triển khai để được trúng thầu. Bị cáo chỉ biết chủ trương đã được cựu Bí thư Nguyễn Nhân Chiến đồng ý", ông Hưng trình bày tại phiên tòa sáng nay.

11 bị cáo tại tòa sáng nay. Ảnh: Phạm Dự

Cuộc chen ngang của "chị Nhàn AIC"

Theo thỏa thuận của Công ty Sông Hồng với lãnh đạo tỉnh, nếu xin được tiền về cho Bắc Ninh, tỉnh sẽ giao cho công ty này cả 6 gói thầu mua sắm thiết bị y tế. Song theo cáo buộc của VKSND Tối cao, Sông Hồng chỉ được nhận 3 dự án, được thanh toán tổng toán tổng cộng 70 tỷ đồng, trong đó 22,8 tỷ đồng là giá trị nâng khống.

"Đặt vấn đề để làm cả 6 gói thầu cơ mà, sao chỉ được trúng 3?", chủ tọa hỏi.

Bị cáo Hưng đáp, khi Sông Hồng đã sẵn sàng thực hiện cả 6 dự án thì "trong một lần sang gặp, ông Tuynh báo có một chị tên Nhàn, quen biết không rõ cấp nào đó nhưng đã đứng ra lo được vốn cho tỉnh". Vì thế, 6 dự án phải chia đôi. Sông Hồng và AIC mỗi công ty 3 dự án.

"Chị Nhàn" mà ông Hưng đang nói tới, chính là bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty AIC. Bà Nhàn bị truy tố trong 5 vụ án, đều liên quan đấu thầu thiết bị y tế, đây là vụ án thứ 4 bà này bị xét xử, song vắng mặt, được cho là đang bỏ trốn ở nước ngoài.

Theo cáo buộc của VKS, việc "chia đôi" 6 gói thầu bắt nguồn từ việc cuối năm 2013 bà Nhàn đã gọi điện cho ông Tuynh, đặt vấn đề "sẽ tác động các bộ, ban, ngành ở trung ương để xin phê duyệt nguồn vốn bổ sung cho các dự án về y tế tại tỉnh Bắc Ninh". Song bà Nhàn cũng đưa ra điều kiện "có đi có lại" giống hệt Sông Hồng: Sau khi xin được vốn, tỉnh phải cho AIC thực hiện 6 gói thầu tại 6 bệnh viện.

Làm rõ cáo buộc này, chủ tọa hỏi: "Sông Hồng đang làm, Nhàn chen ngang à, thế sau đó tỉnh xử lý thế nào?". Ông Tuynh đáp: "Nhàn nói nước đôi là đã báo cáo lãnh đạo tỉnh nên bị cáo hỏi anh Quỳnh (Nguyễn Tử Quỳnh) và anh bảo bà Nhàn giúp đỡ nhiều cho tỉnh nên chia cho một nửa".

Theo ông Tuynh, mỗi gói thầu chênh nhau 3-7 tỷ đồng, song khi gộp lại, chia mỗi công ty 3 gói thì giá trị không chênh lệch nhiều.

Hai công ty sau khi được "dọn đường" đã dùng các thủ đoạn thông thầu để được trúng 6 gói thiết bị y tế. Bị cáo Hưng khai lúc đó Sông Hồng "vốn không có, năng lực lại kém" nên phải dùng thêm các công ty thành viên làm hồ sơ dự thầu. Bị cáo không trực tiếp trả lời có ai "ai giúp đỡ trúng thầu" dù chủ tọa hai lần hỏi.

Theo cáo buộc, từ đây các khoản tiền "cảm ơn" hàng chục tỷ đồng đã được đưa rất sớm, từ tháng 3/2015, tức lúc chuẩn bị bán hồ sơ dự thầu.

Cụ thể, ông Tuynh khai đã được ông Phong đưa cho 6 tỷ đồng để "cảm ơn" các lãnh đạo tỉnh. Tiền được ông đưa cho Bí thư Chiến, Chủ tịch Quỳnh và phó chủ tịch Hạnh, Nhường vào các dịp lễ, Tết, tổng 2,8 tỷ đồng. Còn 3,2 tỷ đồng, ông Tuynh hưởng lợi riêng.

Số tiền 6 tỷ đồng này được ông Hưng rút từ ngân hàng theo lệnh ông Phong song không biết sếp dùng vào mục đích gì hay sẽ đưa cho ai. "Chỉ thấy bảo đi ngoại giao lãnh đạo tỉnh. Tôi chỉ làm tròn bổn phận của một cấp phó", bị cáo Hưng khai sáng nay.

"6 tỷ đồng không phải nhỏ, tại sao lại không biết trong khi công ty phải hạch toán thu chi cụ thể. Hơn nữa, sau khi được cho trước danh mục rồi trúng thầu và phải chi 6 tỷ ngoài sổ sách thì bị cáo phải biết để làm gì chứ", chủ tọa truy vấn.

Theo bị cáo Hưng, tiền được rút để đưa lãnh đạo đi ngoại giao, sau đó hạch toán thu chi sau. Bị cáo không biết tiền chi cho ai, như thế nào cho đến khi bị điều tra. Về khoản 22,8 tỷ đồng chênh lệch khi thực hiện 3 dự án, Hưng cho rằng không được hưởng lợi gì. Số tiền này được đưa vào quỹ dự phòng của công ty, sau đó dùng cho các chi phí khác khi gặp khó khăn.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục xét hỏi 9 bị cáo còn lại.

Phạm Dự - Thanh Lam

Tin liên quan
Tin Nổi bật