Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ. Dự thảo này do Bộ Nội vụ xây dựng, trong đó bổ sung các quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng trong công tác cán bộ. Điều này không chỉ giúp tăng cường tính thống nhất, mà còn tạo cơ sở pháp lý để Thủ tướng chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng làm rõ hơn phạm vi trách nhiệm của Thủ tướng trong việc lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật. Điều này nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp.
Theo luật hiện hành, Thủ tướng có 11 nhóm quyền hạn, như lãnh đạo công tác của Chính phủ; xây dựng chính sách và thi hành pháp luật; phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính trung ương đến địa phương; trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên Chính phủ; khi Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước tạm đình chỉ công tác của Phó thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên Chính phủ; trình Thường vụ Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ Việt Nam tại nước ngoài.
Trong thời gian Quốc hội không họp, Thủ tướng được giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; giao quyền chủ tịch tỉnh giữa hai kỳ họp HĐND; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức thứ trưởng; phê chuẩn bầu, miễn nhiệm, điều động, đình chỉ công tác, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh.
Thủ tướng cũng được quyền đình chỉ thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của bộ trưởng, chủ tịch tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản cơ quan cấp trên; đình chỉ thi hành nghị quyết của HĐND tỉnh trái với hiến pháp, luật; triệu tập và chủ trì các phiên họp Chính phủ.
Người đứng đầu Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; về quyết định và kết quả thực hiện quyết định của mình; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng; giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thường vụ Quốc hội; báo cáo trước nhân dân qua phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Ảnh: Nhật Bắc
Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng
Trong dự thảo, Bộ Nội vụ cũng đề xuất bổ sung quy định về nguyên tắc và tổ chức hoạt động của Chính phủ. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tại luật chuyên ngành cần thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ. Dự luật bổ sung nguyên tắc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực để thực hiện mục tiêu bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Một trong những phương án được Bộ Nội vụ đề xuất khi xây dựng dự luật là khái quát nhiệm vụ, quyền hạn chung của Chính phủ; thể hiện rõ những vấn đề Chính phủ quản lý thống nhất, không phân cấp, phân quyền cho địa phương như an ninh, quốc phòng, ngoại giao; hoàn thiện thẩm quyền Chính phủ trong quản lý về chiến lược, quy hoạch ngành, vùng, chính sách phát triển ngành, vùng (trừ những chính sách do Quốc hội quyết).
Quy định về kiểm soát quyền lực giữa cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp sẽ được hoàn thiện, trong đó làm rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng với việc đề xuất, xây dựng chính sách, pháp luật; có ý kiến với việc tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan tư pháp để bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng cũng được bổ sung nhằm đề cao trách nhiệm với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý nhà nước, hạn chế đẩy trách nhiệm lên cho Thủ tướng các vấn đề cụ thể đã được phân công.
Theo Bộ Nội vụ, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, bổ sung năm 2019 đến nay đã bộc lộ một số bất cập. Hiến pháp 2013 quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Tuy nhiên, quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ trong mối quan hệ với cơ quan lập pháp, tư pháp chưa đủ rõ, nhất là nội dung về kiểm soát quyền lực.
Đồng thời, việc phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng với bộ ngành; giữa Chính phủ, bộ ngành với địa phương còn nhiều bất cập, nhất là việc Chính phủ, Thủ tướng quyết định nhiều vấn đề cụ thể. Quy định một số bộ ngành cùng quản lý một ngành, lĩnh vực chưa đảm bảo thống nhất theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm. Điều này làm phát sinh chồng chéo trong phân công nhiệm vụ, dẫn đến dồn việc lên Thủ tướng hoặc phải lập nhiều Ban chỉ đạo liên ngành để giải quyết.