Từ giữa tháng 10, các chuyên gia của công ty tư vấn, kỹ thuật Pháp Artelia đã tới Việt Nam để làm việc với các bên liên quan và khảo sát sơ bộ cầu Long Biên. Năm ngoái, Pháp cấp cho Hà Nội khoản tài trợ không hoàn lại hơn 700.000 euro (hơn 19 tỷ đồng) để nghiên cứu khả thi nhằm cải tạo di sản Thủ đô cầu Long Biên.
Ông Trịnh Đình Huy, quản lý dự án công ty TNHH Artelia Việt Nam, cho biết dự án hỗ trợ kỹ thuật do Pháp tài trợ sẽ chia làm ba hợp phần. Hợp phần một khảo sát chi tiết tổng thể công trình, thu thập dữ liệu để đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian ngắn hạn. Hợp phần hai kiểm định các kết cấu công trình để đề xuất phương án, giải pháp cải tạo phù hợp.
Chuyên gia Pháo khảo sát thực tế cầu Long Biên hồi giữa tháng 10. Ảnh công ty TNHH Artelia Việt Nam cung cấp.
Hợp phần ba là nghiên cứu các công năng sử dụng công trình trong tương lai khi hình thành mạng lưới đường sắt thay thế tuyến đường sắt Bắc Nam hiện tại. Trong đó phần khảo sát sẽ thực hiện trong ba tháng và toàn dự án sẽ kết thúc vào khoảng tháng 8/2025.
Qua đánh giá sơ bộ, các chuyên gia Pháp nói tổng thể cầu bị xuống cấp về kết cấu. Tuy nhiên để đánh giá chính xác phải tiến hành thêm các đợt khảo sát chi tiết, đo đạc và dựng các mô hình tính toán.
"Trao đổi sơ bộ với các đối tác thì một trong những hướng nghiên cứu trùng tu cầu là khôi phục lại một số nhịp như kiến trúc ban đầu, giữ lại một số nhịp bị hư hại trong chiến tranh đã được gia cố như một chứng tích của cây cầu lịch sử này", ông Huy nói.
Cầu Long Biên khi nước sông Hồng dâng cao hồi đầu tháng 9. Ảnh: Giang Huy
Ông Tạ Quang Sơn, Phó giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải (đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm vụ quản lý và duy tu, bảo dưỡng cầu Long Biên), cho biết tháng 10 và 11 là đợt cao điểm duy tu bảo dưỡng cầu. Công ty sẽ thay trên 400 thanh tà vẹt từ gỗ sang vật liệu comporit và duy tu dầm từ tháng 10 đến tháng 12.
"Mỗi năm công ty được đặt hàng duy tu một lần, bảo quản ba lần và tổ chức các đoàn thường xuyên kiểm tra, theo dõi, phát hiện những vị trí hư hỏng để sửa chữa", ông Sơn thông tin.
Hiện nay do cầu yếu, chỉ tàu hỏa, xe máy, xe đạp được qua cầu. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hạn chế tốc độ cho tàu qua cầu chỉ 15 km/h. Vào đầu tháng 9, khi nước sông Hồng dâng cao do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, cầu Long Biên đã cấm phương tiện qua cầu 3 ngày để đảm bảo an toàn.
Công nhân công ty cổ phần đường sắt Hà Hải thay thế thanh tà vẹt hôm 25/10. Ảnh: Võ Hải
Cầu Long Biên được xây dựng năm 1899 và hoàn thành năm 1902. Cầu dàn thép dài 1691,15m gồm 19 nhịp (chiều dài nhịp từ 51,2 đến 130 m). Sau 120 năm khai thác, sử dụng và trải qua hai cuộc chiến tranh, cầu Long Biên đã bị xuống cấp, chỉ còn lại 9 nhịp ở phía Hà Nội và 3.5 nhịp phía Gia Lâm giữ được kiểu dáng cũ, các nhịp khác do bị đánh phá đã được thay thế bởi nhịp dầm kiểu dáng khác.
Giai đoạn 1995-2010, cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng. Năm 2015, cầu được sửa chữa tổng thể với tổng đầu tư gần 300 tỷ đồng, mục tiêu khai thác an toàn đến năm 2020 khi dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi được triển khai, thay thế cầu Long Biên. Tuy nhiên, dự án này đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Võ Hải