Ngày 25/10, ThS.BS Trần Trung Kiên, khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ông Tình có dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim từ 4 tháng trước nhưng không đi khám. Trước nhập viện một ngày, triệu chứng tái phát, ông Tình tự vỗ ngực vài lần thì đỡ, nhưng đau lại sau ít phút, khó thở nặng. Ông mệt nhiều, choáng váng suýt ngất, huyết áp xấp xỉ 160/110 mmHg.
Kết quả chụp mạch vành ghi nhận hai trong ba nhánh mạch máu nuôi tim (mạch vành phải và động mạch mũ) tắc hoàn toàn, nhánh còn lại (động mạch liên thất trước) hẹp nặng 90%. "Nếu đến khám chậm trễ một thời gian nữa, nhánh mạch vành còn lại cũng tắc, nguy cơ đột tử do nhồi máu cơ tim cao", bác sĩ Kiên nói.
Theo ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, người bệnh cần được đặt stent để khơi thông dòng chảy, tái tưới máu cho tim. Tuy nhiên, không thể thực hiện nong ba nhánh mạch máu trong cùng một ca can thiệp nên êkíp chia thủ thuật thành hai thì.
Mạch vành tắc hoàn toàn (hình A) và sau khi được khơi thông dòng máu (hình B). Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Ở thì đầu, các bác sĩ đặt hai stent vào mạch vành phải. Quá trình thực hiện khó khăn do nhánh mạch máu này tắc toàn bộ, xoắn vặn, không thể nhìn thấy hướng dòng chảy để đi dây dẫn. Bác sĩ sử dụng hai ống thông để chụp cùng lúc động mạch vành phải và trái, nhờ đó nhìn thấy động mạch vành phải, thuận lợi nong bóng đặt stent, không làm rách mạch máu.
Một tuần sau, thì hai của thủ thuật diễn ra. Êkíp đặt tiếp hai stent vào động mạch liên thất trước. Nguồn máu đến tim được tái thông hoàn toàn. Ông Tình khỏe mạnh xuất viện sau hai ngày.
Các bác sĩ can thiệp cho một trường hợp tắc hẹp mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp. Ảnh minh họa: Bệnh viện Tâm Anh
Nhồi máu cơ tim là biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm. Tình trạng này xảy ra khi một hay nhiều nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn, lưu lượng máu đến một phần cơ tim bị giảm hoặc ngừng hoàn toàn gây thiếu máu cơ tim đột ngột và hoại tử vùng cơ tim bị thiếu máu.
Theo bác sĩ Kiên, nhồi máu cơ tim có thể xuất hiện đột ngột nhưng đôi khi có dấu hiệu cảnh báo trước đó vài giờ, vài ngày, thậm chí vài tháng như trường hợp ông Tình. Các triệu chứng sớm gồm đau thắt ngực, nặng ngực, cơn đau lan lên cổ, hàm dưới, vai, cánh tay, vã mồ hôi, khó thở, cảm giác mệt mỏi bất thường, hoa mắt, chóng mặt, ợ nóng kèm khó tiêu (khó chịu vùng thượng vị), buồn nôn, tim đập nhanh, ngất xỉu.
Để phát hiện sớm nguy cơ, bác sĩ khuyến cáo khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần. Người lớn tuổi, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu, tiền căn sử dụng chất kích thích... cần khám thường xuyên.
Sau điều trị nhồi máu cơ tim, người bệnh nên tái khám, thay đổi lối sống và ăn uống lành mạnh, uống thuốc theo chỉ định. Bác sĩ Minh lưu ý sau khi cấp cứu và điều trị thành công, nhồi máu cơ tim vẫn có thể xuất hiện trở lại. Khi có những dấu hiệu điển hình, người bệnh cần đến bệnh viện sớm.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp